Văn hóa Đức Quốc Xã

Chế độ xúc tiến quan niệm Volksgemeinschaft, một cộng đồng dân tộc của nước Đức. Mục tiêu là tạo dựng một xã hội không giai cấp căn cứ vào tính thuần khiết của chủng tộc và sự nhận thức cần thiết để chuẩn bị cho chiến tranh, chinh phục, và một cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa Marx.[386][387] Vào năm 1933, Mặt trận Lao động Đức thành lập ra tổ chức Kraft durch Freude (KdF) (tạm dịch: Sức mạnh cho tới Niềm vui). Bên cạnh tiếp quản hàng chục ngàn câu lạc bộ giải trí tư nhân trước đây, tổ chức này còn cung cấp những kỳ nghỉ theo đoàn lớn và trải nghiệm giải trí như đi chơi biển, điểm đến du lịch, và các buổi hòa nhạc.[388][389]

Vào tháng 9 năm 1933, Quốc xã thành lập Reichskulturkammer (Phòng/Ban Văn hóa Đế chế) và đặt nó dưới sự kiểm soát của Bộ Tuyên truyền. Các phụ ban được thiết lập để kiểm soát những mặt khác nhau của đời sống văn hóa, như phim ảnh, phát thanh, báo chí, mĩ thuật, âm nhạc, kịch nghệ, và văn học. Mọi người dân bị yêu cầu gia nhập phụ ban tương ứng với nghề nghiệp của họ. Người Do Thái và những đối tượng được xem là không đáng tin về mặt chính trị bị cấm làm việc trong ngành nghệ thuật, và nhiều người đã chuyển sang làm lĩnh vực khác. Sách và bản thảo phải được Bộ Tuyên truyền phê duyệt trước khi xuất bản.[390]

Sóng vô tuyến (radio) trở nên rất phổ biến tại Đức trong thập niên 1930, với hơn 70% hộ gia đình sở hữu một máy thu vào năm 1939, nhiều hơn bất kỳ nước nào khác. Quốc xã thanh lọc đội ngũ nhân viên của các trạm phát thanh trong năm 1933, khai trừ những người phe tả và những đối tượng không mong muốn khác.[391] Tuyên truyền và diễn thuyết trở thành nội dung chủ yếu trên sóng phát thanh ngay lập tức sau khi Quốc xã lên nắm quyền, nhưng sau một thời gian Goebbels khẳng định âm nhạc sẽ được phát nhiều hơn để người dân không chuyển sang các chương trình giải trí nước ngoài.[392]

Mô hình tòa nhà Volkshalle (Hội trường Nhân dân) và một khải hoàn môn được xây dựng ở một trong hai đầu của đại lộ rộng lớn.

Cũng như các phương tiện truyền thông khác, báo chí bị chính quyền kiểm soát, với việc Ban Báo chí Đế chế dẹp bỏ hoặc mua lại những tòa soạn báo và nhà xuất bản. Đến năm 1939 Bộ Tuyên truyền trực tiếp sở hữu hơn hai phần ba số báo và tạp chí.[393] Tờ báo hàng ngày của đảng Quốc xã, Völkischer Beobachter (Quan sát viên Sắc tộc), do Alfred Rosenberg làm chủ biên. Rosenberg là tác giả cuốn Bí mật Thế kỷ XX, một cuốn sách về học thuyết chủng tộc tán thành tính ưu việt của chủng tộc Bắc Âu.[394] Goebbels kiểm soát các hãng thông tấn và nhấn mạnh rằng báo chí ở Đức chỉ nên xuất bản những nội dung có lợi cho chế độ. Bộ tuyên truyền của Goebbels phát đi khoảng hơn 20 chỉ thị mỗi tuần về việc nên xuất bản những tin tức nào hay quan điểm nào nên được sử dụng; các báo tiêu biểu tuân thủ chỉ thị hết sức chặt chẽ.[395] Số độc giả báo chí giảm mạnh, một phần vì chất lượng nội dung giảm, và một phần vì mức độ phổ biến gia tăng của đài phát thanh.[396]

Các tác giả sách rời bỏ đất nước và một số người đã viết tài liệu phê phán mạnh mẽ chế độ khi đang lưu vong. Goebbels khuyên nhủ các tác giả còn lại nên tập trung vào chủ đề thần thoại Đức và tư tưởng Blut und Boden (máu và đất). Đến cuối năm 1933 chế độ Quốc xã đã cấm lưu truyền hơn một ngàn cuốn sách, đa phần chúng là của các tác giả Do Thái hoặc thể hiện tính chất Do Thái.[397]

Hitler có mối quan tâm đến kiến trúc, ông làm việc gần gũi với hai kiến trúc sư Paul Troost và Albert Speer để tạo ra những tòa nhà công cộng mang phong cách tân cổ điển dựa theo kiến trúc La Mã.[398][399] Speer đã dựng lên các công trình hoành tráng như Khuôn viên đại hội đảng Quốc xã tại NurembergPhủ Thủ tướng Đế chế mới ở Berlin.[400] Trong kế hoạch tái xây dựng Berlin của Hitler có bao gồm một tòa mái vòm khổng lồ dựa theo mái vòm ở Đền Pantheon tại Rome và một khải hoàn môn cao hơn gấp đôi Arc de Triomphe ở Paris. Cả hai công trình này đều chưa từng được xây dựng.[401]

Hitler cảm thấy rằng nghệ thuật trừu tượng, phong trào Dada, chủ nghĩa biểu hiệnnghệ thuật hiện đại là suy đồi, một quan niệm đã trở thành nền tảng cho chính sách.[402] Rất nhiều giám đốc bảo tàng nghệ thuật bị mất chức trong năm 1933 và thay thế là các đảng viên Quốc xã.[403] Chính quyền gỡ bỏ khoảng 6.500 tác phẩm nghệ thuật hiện đại khỏi các bảo tàng và thay bằng các tác phẩm do hội đồng Quốc xã lựa chọn.[404] Đến năm 1935, những triển lãm trưng bày tác phẩm bị loại bỏ, dưới tên gọi như là "Suy đồi trong Nghệ thuật" đã được tiến hành tại 16 thành phố khác nhau. Triển lãm nghệ thuật suy đồi do Goebbels tổ chức diễn ra từ tháng 7 đến tháng 11 năm 1937 tại Munich tỏ ra rất được ưa chuộng và nó đã thu hút hơn hai triệu lượt khách tham quan.[405]

Quốc xã bổ nhiệm nhà soạn nhạc Richard Strauss làm chủ tịch Reichsmusikkammer (Ban Âm nhạc Đế chế) thành lập tháng 11 năm 1933.[406] Cũng như ở các hình thức nghệ thuật khác, Quốc xã khai trừ những nhạc sĩ không thuộc chủng tộc được chấp nhận, và đa phần không ủng hộ âm nhạc quá hiện đại hay atonal (nhạc không theo điệu thức).[407] Nhạc Jazz được xem là đặc biệt không phù hợp, và những nhạc sĩ nước ngoài của thể loại này đã tự động rời nước Đức hoặc bị trục xuất.[408] Hitler thích nhạc của Richard Wagner, đặc biệt là những phần nhạc dựa trên thần thoại Đức và những câu chuyện anh hùng; ông tham dự Festival Bayreuth hàng năm kể từ năm 1933.[407]

Leni Riefenstahl (giữa) tại Thế vận hội mùa hè 1936

Phim ảnh là phổ biến ở Đức trong thập niên 1930 và 1940.[409] Vào năm 1934 các quy định hạn chế xuất khẩu tiền tệ khiến các nhà làm phim Mỹ không thể chuyển những khoản lợi nhuận về nước, nên rất nhiều hãng phim lớn đã đóng cửa chi nhánh của họ ở Đức. Số lượng phim Đức xuất khẩu giảm mạnh bởi chúng chứa nặng nội dung bài Do Thái. Bộ Tuyên truyền đã mua lại hai hãng phim lớn nhất, Universum Film AGTobis, đây là các hãng sản xuất ra phần lớn số lượng phim của Đức. Tính chất tuyên truyền không phải lúc nào cũng công khai trong các bộ phim, nhưng nhìn chung là có ẩn ý chính trị theo sau là các quy tắc của đảng liên quan đến chủ đề và nội dung. Mọi kịch bản đều được qua kiểm duyệt từ trước.[410]

Hai bộ phim Triumph of the Will của Leni Riefenstahl (1935) ghi lại kỳ Đại hội Nuremberg 1934, và Olympia (1938) với chủ đề về Thế vận hội mùa hè 1936 tiên phong áp dụng kỹ thuật chuyển động máy quay và chỉnh sửa, điều này tạo ảnh hưởng lên các phim về sau. Những công nghệ mới như ống kính quay xa và gắn khung camera được sử dụng. Cả hai phim vẫn gây tranh cãi, bởi sự xuất sắc về mặt hình ảnh là không thể tách rời khỏi việc tuyên truyền những lý tưởng Quốc xã của họ.[411][412]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Đức Quốc Xã http://www.dipublico.com.ar/english/agreement-betw... http://www.khatyn.by/en/genocide/expeditions/ http://www.collectionscanada.gc.ca/obj/s4/f2/dsk3/... http://www.amazon.com/The-Third-Reich-History-Memo... http://www.britannica.com/EBchecked/topic/414633/M... http://www.nathaninc.com/sites/default/files/Pub%2... http://www.thirdreichruins.com/index.htm http://www.time.com/time/magazine/article/0,9171,9... http://www.warsawuprising.com/paper/wrobel1.htm http://www.bundesarchiv.de/benutzung/zeitbezug/nat...